“Điểm tựa” vững chắc của hội viên, nông dân nghèo
15:30 - 08/12/2023
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Bình Định đã tập trung triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả nhằm tạo thêm điều kiện hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo trong tỉnh phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập. Theo đó, Hội ND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp Hội tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn để triển khai tốt hoạt động ủy thác giúp hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.


Cùng với việc khơi thông dòng vốn tín dụng, các cấp Hội phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát huy tốt nguồn vốn vay, gia tăng hiệu quả


 
Hàng năm, để triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp ủy thác nguồn vốn, Hội ND tỉnh cùng với chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực chỉ đạo các đơn vị cấp dưới tập trung giải ngân đối với các chương trình tín dụng. Qua đó, bảo đảm chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh một cách nhanh nhất.

 
Theo định kỳ, Hội ND các cấp trong tỉnh đã phối hợp với ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác theo Văn bản Thỏa thuận số 11789/VBTT ngày 28/12/2021; Văn bản liên tịch số 2479/VBLT ngày 31/12/2021 và Văn bản liên tịch cấp huyện đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đôn đốc, ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh.

 
Thông qua kênh vốn ưu đãi này đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được tiếp cận chính sách mới một cách nhanh chóng, thuận lợi. Có thể thấy, các nguồn vốn vay đã thực sự trở thành “điểm tựa” giúp bà con nông dân trong tỉnh thoát nghèo, ổn định sản xuất và vươn lên làm giàu chính đáng.

 
Ngay từ đầu năm, để nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Hội ND tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác cho các huyện, thị, thành và cơ sở Hội, đồng thời lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, bình xét xếp loại thi đua. Qua các năm, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ ngân hàng CSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua kênh của Hội ND liên tục tăng trưởng và phát huy hiệu quả.

 
Hiện, có 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 145/151 xã, phường, thị trấn đang còn dư nợ ủy thác thông qua Hội ND các cấp. Tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng CSXH với tổ chức Hội ND trên toàn địa bàn đạt trên 1.732 tỷ đồng, tăng 110.894 triệu đồng so với đầu năm 2023, đang triển khai cho 29.774 lượt hộ vay thông qua 723 TK&VV; chiếm 28,9% trong tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng CSXH qua các tổ chức Hội, đoàn thể; dư nợ bình quân 57,5 triệu đồng/hộ.
 

Riêng sáu tháng đầu năm 2023, thông qua các Tổ TK&VV, toàn tỉnh đã hỗ trợ thêm 6.911 hội viên, nông dân được vay 301,162 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng CSXH. Nhờ đó, các hộ nông dân tập trung đầu tư nguồn lực kịp thời để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động…

 
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có thêm điều kiện thiết thực để phát triển sản xuất, nhiều hộ nông dân đã thật sự đổi đời nhờ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Có 100% các Tổ TK&VV đều được ủy nhiệm thu tiền tiết kiệm và thu lãi.

 
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngân hàng CSXH triển khai các hoạt động ủy thác cho vay vốn theo đúng qui định. Theo định kỳ, hai bên phối hợp tiến hành đôn đốc và thu hồi các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn; đồng thời, thường xuyên kiện toàn củng cố các Tổ TK&VV.

 
Cùng với đó, công tác củng cố chất lượng mô hình các Tổ TK&VV được thực hiện thường xuyên và liên tục hàng năm. Các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; đồng thời, tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức định kỳ hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn để kịp thời có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.

 
Qua đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động theo định kỳ, trong số 723 TK&VV, có 712 Tổ xếp loại tốt (chiếm 98%), 11 Tổ xếp loại khá (chiếm 2%), không có Tổ trung bình và yếu kém. Đến nay, các cấp Hội duy trì 100% đơn vị cấp xã có chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xếp loại tốt. Công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn được thực hiện thường xuyên tại 100% Tổ TK&VV.

 
Song song với đó, các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT triển khai thực hiện Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 
Hiện, 11/11 huyện, thị, thành Hội đều đã triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT có dư nợ cho vay qua các Tổ vay vốn; đồng thời, 55/151 xã, phường, thị trấn cũng đang có dư nợ. Tổng dư nợ của ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thông qua tổ chức Hội ND đạt 291.701 triệu đồng đang triển khai cho 2.980 hộ thành viên vay thông qua 179 Tổ vay vốn.

         
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ngày càng có thêm nhiều gương hội viên, nông dân phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước ổn định cuộc sống, trở thành những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải một cách linh hoạt, đảm bảo kịp thời đến tận tay các đối tượng thụ hưởng đúng qui định cũng đã góp phần triển khai thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tích cực hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

 
Hộ gia đình anh Cao Bá Tưởng- thành viên Tổ TK&VV ở thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân chính là một tấm gương nông dân điển hình trong việc sử dụng vốn vay từ ngân hàng CSXH đúng mục đích, thoát được nghèo và vươn lên làm giàu. Trước đây, gia đình anh là hộ thuần nông, quanh năm chỉ cấy mấy sào lúa nước nên nguồn thu nhập rất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

 
Được sự quan tâm của Ban Giảm nghèo xã, Hội ND xã, Tổ TK&VV ngân hàng CSXH huyện đã xét cho anh được vay 50 triệu đồng thông qua kênh “Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”. Cùng với số vốn tích lũy của gia đình, anh đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới và mua sắm các dụng cụ phục vụ sản xuất. Trên diện tích canh tác 4.500 m2 của gia đình, anh trồng 60 cây dừa xiêm xanh và các loại hoa màu ngắn ngày khác. Toàn bộ rau màu đều được thương lái đến tận vườn để thu mua, những cây dừa xiêm cũng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, mang lại nguồn thu nhập bước đầu khấm khá.

 
Nhờ sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó làm ăn, anh Tưởng còn mạnh dạn áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất nên các sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn, chi phí giảm đi so với thời điểm trước khi có nguồn vốn vay hỗ trợ. Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh dần đi vào ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt khoảng hơn 100 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết mọi chi phí.

 
Hộ gia đình ông Võ Văn Nhơn ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh cũng là một trong số những gương nông dân điển hình sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả để phát triển thành công mô hình nuôi cá lồng bè. Không những thoát nghèo, với sự nỗ lực của bản thân cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội, ông Nhơn đã vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.

 
Thông qua các Tổ TK&VV của Hội ND huyện, ông đã được hỗ trợ nhiều lần vay vốn từ ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển thêm lồng bè và thả nuôi 2 vụ cá/năm. Cùng với nguồn vốn vay, ông còn được các cấp Hội hướng dẫn về khoa học kỹ thuật mới thông qua các lớp tập huấn do Hội phối hợp tổ chức, nhờ đó đem áp dụng vào thực tế sản xuất giúp mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao.

 
Hiện, ao cá nuôi của gia đình ông phát triển nhanh, đàn cá lớn đồng đều, ít bị mắc bệnh. Bên cạnh đó, nhờ tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm cá thương phẩm khá ổn định đã mang lại nguồn thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm cho gia đình ông. Kinh tế ngày càng phát triển, gia đình ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo con cái chu đáo và tích lũy thêm nguồn vốn để tiếp tục tái đầu tư phát triển mô hình.

 
Đối với hộ gia đình anh Trần Quang Tiến- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Agribio ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ thì nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thực sự là đòn bẩy thiết thực, góp phần quan trọng giúp gia đình anh duy trì và phát triển mở rộng mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 
Theo đó, thông qua Tổ TK&VV tại địa phương, anh được xét hỗ trợ cho vay 80 triệu đồng để đầu tư phát triển chuỗi sản xuất nấm hữu cơ. Nguồn vốn được vay kịp thời với lãi suất ưu đãi đã giúp ích rất nhiều cho anh trong quá trình khởi nghiệp. Đến nay, Hợp tác xã đã có 5 sản phẩm nấm, trong đó có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, tìm được đầu ra ổn định.


Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Agribio còn đang thực hiện khá hiệu quả mô hình dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Agribio ngày càng phát triển, đã tạo việc làm ổn định cho 20 xã viên với mức thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng.

 
Đáng chú ý, năm 2023, nhằm giúp hội viên, nông dân trong tỉnh dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, kịp thời đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội ND tỉnh tiếp tục phối hợp với ngân hàng CSXH tỉnh tập trung chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động chương trình phối hợp. Qua đó, tích cực khơi thông dòng vốn tín dụng ở khu vực nông thôn. Hiện, ngân hàng CSXH đã tổ chức 159 điểm giao dịch tại trụ sở UBND các xã; phối hợp với Hội ND tỉnh thành lập 723 Tổ TK&VV.

 
Mặt khác, cùng với việc khơi dòng tín dụng, hai ngành còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng liên quan trong tỉnh, chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất nhằm phát huy tốt nguồn vốn vay, gia tăng hiệu quả và giá trị trên cùng diện tích canh tác.
 
 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch và tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho hội viên, nông dân; chú trọng việc nhân rộng các mô hình mới trong phát triển kinh tế, giúp hội viên gia tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả tại các địa phương.

 

Đình Thắng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng